Đau nhức xương khớp là bệnh gì? Có chữa khỏi được không?

Đau nhức xương khớp là một trong những tình trạng nhiều người gặp phải đặc biệt khi vận động đột ngột, thời tiết thay đổi… Ngoài ra, các triệu chứng này cũng có thể bảo hiệu bạn đang mắc phải bệnh lý nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn, mời bạn tìm hiểu qua bài viết!

Đau nhức xương khớp là gì?

Đau nhức xương khớp là cảm giác khó chịu, nhức nhối từ bất kỳ phần xương khớp nào trên cơ thể. Tình trạng này có thể không kèm theo hoặc kèm theo viêm. Hiện nay, tỷ lệ người bị đau nhức xương khớp ngày càng trẻ hóa do thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng.

Cấu tạo khung xương của con người được hình thành từ nhiều loại xương và khớp khác nhau. Trong đó có 3 thể khớp là khớp bất động (hộp sọ), khớp bán động (cột sống), khớp động (tay, chân). Các khớp bán động và khớp động là những khớp có nguy cơ lão hóa và suy yếu nhanh. Đặc biệt là các khớp: cột sống thắt lưng, cột sống cổ, vai, đầu gối, khớp háng, bàn chân, khuỷu tay… dễ gặp tình trạng đau nhức xương khớp.

Đau nhức xương khớp

Tình trạng đau nhức và tổn thương xương khớp của mỗi người là khác nhau. Do đó, người bệnh cần tìm hiểu nguyên nhân, xác định mức độ và có phương pháp điều trị bệnh phù hợp.

Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp

Đau nhức xương khớp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, các nguyên nhân có thể là bệnh lý hoặc các yếu tố bên ngoài tác động. Cụ thể, nguyên nhân gây đau nhức xương khớp có thể do nhiều bệnh lý khác nhau như:

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các cơn đau nhức, khó chịu với nhiều cấp độ khác nhau ở người bệnh. Bệnh lý này đặc trưng bởi sự thoái hóa, tổn thương và bào mòn xương khớp.

Các cơn đau nhức xương khớp do thoái hóa khớp thường xuất hiện thường xuyên và tăng mạnh mỗi khi người bệnh vận động, sáng sớm thức dậy, thời tiết thay đổi… Người bệnh sẽ cảm nhận rõ cơn đau cấp tính dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài. Thoái hóa khớp có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào trong đó đối tượng người già, người lao động nặng, ít vận động… thường có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Nếu tình trạng thoái hóa khớp không được khắc phục kịp thời có thể khiến người bệnh hạn chế vận động, biến dạng khớp thậm chí tăng nguy cơ bị liệt cao hơn thông thường.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau nhức xương khớp. Đây là một bệnh lý ở dạng mãn tính có thể phá hủy sụn khớp và các xương ở dưới sụn nếu người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời.

Các cơn đau xương khớp do viêm khớp dạng thấp có đặc trưng là mang tính đối xứng như đau khớp ngón tay, khớp gối… Ngoài ra, người bệnh kèm theo triệu chứng sưng phù, nóng và đỏ ở xương khớp bị viêm. Các cơn đau này thường rõ rệt nhất vào buổi sáng và khi trời lạnh.

Viêm khớp dạng thấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của người bệnh thậm chí tăng nguy cơ liệt.

Bệnh gout

Bệnh gout (gút) là một trong những bệnh xảy ra do sự rối loạn chuyển hóa purin trong máu. Nguyên nhân gây bệnh thường do dư thừa đạm quá mức khiến người bệnh đối mặt với các triệu chứng như: nóng đỏ, sưng phù, đau nhức ở các khớp bàn tay, bàn chân, ngón chân, ngón tay, cổ chân, khớp gối…

Các cơn đau nhức do bệnh gout ở dạng mãn tính và tăng nặng theo thời gian. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh gout có thể dẫn đến biến dạng khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động.

Bệnh lao xương khớp

Bệnh lao xương khớp thường xảy ra do vi trùng lao tấn công. Các cơn đau do bệnh lao thường ở nhiều mức độ khác nhau kèm theo triệu chứng sưng khớp ở các vị trí: khớp háng, khớp gối và khớp cột sống. Lao nếu không được điều trị co thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động, gây teo cơ hoặc liệt chi.

Loãng xương

Tình trạng loãng xương cũng có thể gây ra các cơn đau nhức xương khớp dữ dội. Loãng xương xảy ra khi các tế bào mới sinh ra không đủ để thay thế tế bào già cỗi đã bị đào thải. Tình trạng này khiến xương giòn, yếu, dễ gãy và đau nhức ở các đầu xương.

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng các đĩa đệm ở cột sống bị tổn thương, trật ra bên ngoài so với vị trí bình thường. Tình trạng này thường do nhiều nguyên nhân khiến người bệnh đau nhức, khó chịu ở cột sống. Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động của người bệnh.

Đau nhức xương khớp do tác động bên ngoài

Ngoài những nguyên nhân bệnh lý, đau nhức xương khớp có thể do các tác động bên ngoài như:

  • Chấn thương: Các chấn thương do va đập mạnh có thể khiến người bệnh bị đau nhức xương khớp.
  • Ít vận động: Những người ít vận động có thể khiến cơ khớp và dây chằng bị cứng, ít linh hoạt dẫn đến đau nhức.
  • Bê vác đồ nặng sai tư thế: Bê vác đồ nặng sai tư thế có thể gây áp lực lên hệ vận động. Do đó, người bệnh thường đối mặt với các triệu chứng đau nhức xương khớp.
  • Do sai tư thế: Những người ngủ hoặc làm việc sai tư thế có thể dẫn đến tình trạng đau nhức xương khớp.

Triệu chứng đau nhức xương khớp

Việc nhận biết các triệu chứng đau nhức xương khớp giúp người bệnh phát hiện bất thường và điều trị kịp thời. Triệu chứng và mức độ đau nhức xương khớp ở mỗi người là khác nhau. Trong đó, đây là những triệu chứng phổ biến nhất:

Đau nhức ở các vùng xương khớp

Triệu chứng phổ biến mà người bệnh gặp phải là cá cơn đau nhức âm ỉ, dữ dội. Thậm chí, khi bệnh tiến triển nặng , các cơn đau sẽ ngày càng nặng và khó chịu hơn.

Đau nhức và khó chịu ở xương khớp sẽ cảm thấy rõ rệt hơn khi người bệnh mang vác nặng, ngồi quá lâu… Cơn đau giảm khi người bệnh nghỉ ngơi đầy đủ.

Triệu chứng đau nhức xương khớp

Triệu chứng cứng khớp

Cứng khớp thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc buổi tối. Triệu chứng này khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Mức độ cứng khớp càng nghiêm trọng càng cho thấy các vấn đề về xương khớp ở người bệnh càng nặng.

Khớp bị sưng đỏ

Người bệnh đau nhức xương khớp có thể kèm theo triệu chứng khớp sưng đỏ do viêm nhiễm. Lúc này các khớp bị phù nề, có cảm giác nóng, chạm nhẹ cũng thấy đau. Tình trạng viêm khớp nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến người bệnh đối mặt với không ít biến chứng nguy hiểm.

Yếu cơ

Triệu chứng yếu cơ xuất hiện khi các cơn đau nhức xương khớp ở người bệnh đã diễn ra nghiêm trọng. Yếu cơ do các mạch máu, dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép trong thời gian dài khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở. Do các cơ xương khớp không được cung cấp đủ dưỡng chất nên dần bị teo lại và yếu đi. Lúc này người bệnh mất dần lực cầm nắm và mang vác đồ.

Biến dạng khớp

Ngoài những triệu chứng trên, đau nhức xương khớp có thể kèm theo biến dạng khớp khi các dây chằng bị tổn thương nghiêm trọng. Lúc này người bệnh sẽ cảm nhận rõ sự biến dạng của xương khớp, mất cân xứng ở các khớp khiến cho việc vận động trở nên khó khăn hơn.

Đau nhức xương khớp có chữa khỏi được không?

Đau nhức xương khớp thường tồn tại ở dạng mãn tính, do các vấn đề về hệ xương khớp của người bệnh. Do đó, tình trạng này thường khó có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, có rất nhiều phương pháp điều trị hiện nay đã giúp tình trạng này cải thiện rõ rệt, mang lại hiệu quả tích cực.

Do đó, chỉ cần người bệnh tìm ra đúng nguyên nhân, kiên nhẫn điều trị có thể giúp giảm tối đa các triệu chứng đau nhức xương khớp lên tới 90-95%. Đồng thời, việc can thiệp kịp thời có thể làm chậm lão hóa xương khớp và tăng cường sự dẻo dai của xương khớp.

Điều trị đau nhức xương khớp

Có nhiều phương pháp giúp điều trị đau nhức xương khớp đang được lựa chọn hiện nay. Trong đó có thể kể đến như: điều trị tây y, dùng mẹo dân gian, phương pháp vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật. Người bệnh có thể lựa chọn theo một phác đồ điều trị cụ thể căn cứ vào tình trạng và mức độ tổn thương.

Thuốc Tây y chữa đau nhức xương khớp

Một số loại thuốc Tây thường được bác sĩ kê đơn trong điều trị chứng đau nhức xương khớp là:

  • Thuốc giảm đau: Giúp hỗ trợ giảm đau nhanh, giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh. Một số loại thuốc giảm đau phổ biến: tramadol, hydrocodone, paracetamol…
  • Thuốc kháng viêm NSAIDs: Giúp giảm đau và chống viêm, giảm các phản ứng viêm xương khớp. Một số loại thuốc kháng viêm phổ biến là naproxen, ibuprofen…
  • Thuốc chống thấp khớp: Thường được chỉ định cho người bị đau nhức xương khớp do viêm khớp dạng thấp. Thuốc có tác dụng làm chậm diễn tiến của bệnh. Một số loại thuốc thấp khớp thường được bác sĩ kê đơn: hydroxychloroquine, methotrexate…

Ngoài các loại thuốc trên, căn cứ vào nguyên nhân và mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc phù hợp. Các loại thuốc tây thường đi kèm một số tác dụng phụ như tức ngực, buồn nôn, suy giảm sức đề kháng… Do đó, người bệnh chỉ nên sử dụng khi có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Điều trị đau nhức xương khớp

Bài thuốc dân gian chữa đau nhức xương khớp

Trong dân gian có khá nhiều bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp an toàn, được đánh giá cao. Trong đó, sử dụng các loại thảo dược như: lá lốt, lá ngải cứu, cây cỏ xước, cây trinh nữ… được nhiều người lựa chọn nhờ sự an toàn và lành tính. Dưới đây là một số bài thuốc điều trị đau nhức xương khớp hiệu quả:

Bài thuốc đắp

Các bài thuốc đắp từ lá lốt/ lá ngải cứu giúp làm dịu nhanh cơn đau nhức xương khớp. Người bệnh có thể thực hiện bằng cách:

  • Rửa sạch 200g lá ngải cứu hoặc lá lốt
  • Cho vào chảo sao nóng cùng 100g muối trắng
  • Cho hỗn hợp đã sao nóng ra miếng vải sạch, buộc kín và đắp trực tiếp lên khu vực xương khớp bị đau.
  • Thực hiện bài thuốc này liên tục trong 15 phút.

Bài thuốc uống

Người bệnh có thể sử dụng các bài thuốc uống để mang lại hiệu quả điều trị chứng đau nhức xương khớp bằng cách:

  • Rửa sạch 200g thảo dược (ngải cứu/ lá lốt/ cây ngải cứu/ cây trinh nữ…).
  • Cho thảo dược đã chuẩn bị vào ấm sắc cùng 2 lít nước, đến khi cô đọng còn 1 lít nước thì tắt bếp.
  • Chia nước thuốc sắc uống 3 lần sau bữa ăn.

Phương pháp vật lý trị liệu

Các phương pháp vật lý trị liệu như bấm huyệt, châm cứu, chườm đá… giúp hỗ trợ giãn nở mạch máu, tăng tuần hoàn máu. Do đó, tình trạng đau nhức xương khớp sẽ được cải thiện nhanh.

Về bấm huyệt và châm cứu, người bệnh nên thực hiện bởi những người có chuyên môn để giúp xác định đúng các huyệt đạo. Ngoài ra, người bệnh có thể chườm đá/ chườm nóng theo chỉ định y khoa.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định khi tình trạng đau nhức xương khớp khi các bệnh lý không đáp ứng được phương pháp điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết theo chỉ định y khoa.

Phòng ngừa đau nhức xương khớp

Đau nhức xương khớp là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Chúng ta có thể phòng ngừa hoặc làm chậm diễn tiến bệnh nếu thay đổi về chế độ dinh dưỡng và lối sống. Cụ thể:

Chú ý chế độ dinh dưỡng

Để phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp, bạn cần bổ sung các nguyên tố vi lượng tốt cho sức khỏe như vitamin D, canxi, omega 3, sắt, magie… Người bệnh có thể bổ sung từ những thực phẩm như: Hải sản, cá hồi, cá ngừ, các loại đậu, rau màu xanh đậm…

Đồng thời, chế độ ăn uống phòng ngừa đau nhức xương khớp nên tránh các thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, rượu bia, thuốc lá…

Hạn chế nguy cơ thừa cân, béo phì

Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý về xương khớp nguy hiểm. Do đó, người bệnh nên duy trì thói quen sinh hoạt, chú ý chế độ dinh dưỡng để hạn chế nguy cơ tăng cân.

Chú ý thói quen sinh hoạt, tập luyện

Người bệnh nên hạn chế thói quen mang vác vật nặng, ngồi lâu một chỗ… Thay vào đó, bạn nên tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng để phòng ngừa các bệnh lý xương khớp nguy hiểm.

Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ

Thăm khám sức khỏe định kỳ có thể tầm soát kịp thời các bệnh lý xương khớp nguy hiểm để điều trị kịp thời. Do đó, người bệnh nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát.

Nhìn chung, đau nhức xương khớp có thể do nhiều nguyên nhân, bệnh lý khác nhau. Người bệnh cần chủ động trong việc thăm khám và điều trị để giúp các bệnh lý thuyên giảm nhanh. Hy vọng những thông tin trên hữu ích với bạn.

5/5 - (1 vote)