Viêm họng là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, cách chữa tại nhà

Viêm họng là tình trạng phổ biến và thường không gây nguy hại đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, các triệu chứng đôi khi có thể kéo dài hơn 1 tuần và khiến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân gặp phải một số ảnh hưởng. Bạn đã biết cách để xử lý hiệu quả bệnh lý này hay chưa? Các biện pháp phòng tránh tốt nhất là gì? Tất cả sẽ được giải đáp thông qua bài viết tổng hợp sau đây.

Viêm họng là gì?

Viêm họng có thể hiểu đơn giản là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở niêm mạc của vòm họng, khiến người bệnh cảm thấy đau rát, ngứa ngáy hoặc có cảm giác tắc nghẽn mỗi khi nuốt nước bọt. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh lý này là do virus cảm lạnh hoặc virus cúm, cũng có một số trường hợp liên quan đến vi khuẩn.

Viêm họng

Viêm họng có thể xảy ra ở tất cả mọi người nhưng những đối tượng có nguy cơ cao hơn cả là người cao tuổi, trẻ em hoặc người có hệ thống miễn dịch suy yếu. Đây là tình trạng phổ biến, mỗi năm có đến hàng chục triệu người trên thế giới mắc phải viêm đau họng. Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị trong một vài tuần nhưng cũng có những ca bệnh kéo dài với các triệu chứng nghiêm trọng hơn và cần được điều trị kịp thời.

Triệu chứng viêm họng

Triệu chứng của viêm họng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Đa phần các trường hợp người bệnh thường gặp phải những dấu hiệu sau đây:

  • Cảm giác đau rát hoặc ngứa ngáy ở cổ họng: Đây được xem là biểu hiện phổ biến nhất khi cổ họng bị viêm. Người bệnh thường có cảm giác khó chịu hơn mỗi khi nói chuyện, nuốt nước bọt hoặc nuốt thức ăn.
  • Sưng tấy niêm mạc họng: Bên cạnh cảm giác đau rát như mắc xương cá, người bệnh viêm họng cũng có thể bị sưng tấy phần vòm và cuống họng. Triệu chứng này là do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với các tác nhân gây hại như virus và vi khuẩn, khiến niêm mạc cổ họng bị phù nề và viêm đỏ.
  • Khó nuốt: Triệu chứng này được xem là hệ quả của việc cổ họng sưng tấy và viêm đau. Do thành mạch bị sưng, đường thực quản và cổ họng trở nên nhỏ hơn, dẫn đến việc tiêu hóa thức ăn trở nên khó khăn hơn. Tình trạng tương tự cũng xảy ra khi người bệnh uống nước.
  • Các dấu hiệu khác: Bên cạnh ba triệu chứng đặc trưng nêu trên, người bệnh còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như: Nổi hạch ở cổ và dưới hàm, amidan sưng đỏ hoặc xuất hiện hốc mủ, giọng nói trở nên khàn đặc, ho khan, ho có đờm, sốt cao, sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt xì, đau nhức đầu, buồn nôn, cơ thể nhức mỏi.

Người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:

  • Đau họng dữ dội kéo dài hơn 1 tuần không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã dùng thuốc và các biện pháp hỗ trợ khác.
  • Khó thở, khó nuốt, khó mở miệng kèm theo đó là tình trạng đau nhức khớp xương và sốt cao hơn 38 độ C.
  • Trong đờm hoặc nước bột của bệnh nhân có lẫn máu tươi.
  • Đau họng tái phát liên tục, người bệnh khi sờ vào cổ thấy xuất hiện cục u hoặc vùng cổ và mặt bị phù nề.

Nguyên nhân viêm họng

Các nguyên nhân gây viêm họng phổ biến có thể kể đến là:

  • Virus: Virus có thể coi là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm đau họng. Các loại virus này thường là virus cúm, virus cảm lạnh, virus mono, virus bệnh sởi, thủy đậu. Hiện nay, xuất hiện thêm một chủng virus viêm phổi mới là COVID-19 cũng có thể gây ra tình trạng viêm đau họng.
  • Vi khuẩn: Dù không phổ biến như virus nhưng vi khuẩn cũng được xếp vào nhóm nguyên nhân thường gây ra bệnh viêm họng ở con người. Trong đó, loại vi khuẩn chiếm tỷ lệ cao nhất là vi khuẩn liên cầu nhóm A streptococcus. Viêm họng liên cầu khuẩn cũng là loại bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm với người bệnh, ví dụ như áp xe amidan hay viêm khớp nhiễm khuẩn.
  • Dị ứng: Có nhiều thứ có thể gây ra phản ứng miễn dịch ở cơ thể, ví dụ như phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc, lông thú nuôi,… Khi dị nguyên đi vào bên trong đường thở, nó rất dễ khiến người bệnh bị chảy nước mũi. Lượng chất nhầy này nếu chảy ra phía sau khu vực cổ họng thì có thể gây ra viêm họng.
  • Bệnh trào ngược axit dạ dày: Có một số trường hợp bị viêm họng không phải do vi khuẩn hay virus mà liên quan đến chứng bệnh trào ngược dạ dày. Tình trạng này xảy ra khi cơ trơn phía trên của dạ dày không hoạt động tốt, dẫn đến hiện tượng dịch vị axit trào ngược lên thực quản và cổ họng rồi gây ra viêm sưng.
  • Các nguyên nhân khác: Bên cạnh những nguyên nhân thường thấy nhất nêu trên, bệnh viêm họng còn có thể liên quan đến các yếu tố khác như: Không khí quá khô, thói quen thở bằng miệng, ô nhiễm môi trường, nói to hoặc la hét trong thời gian dài, nhiễm HIV, khối u.

nguyên nhân Viêm họng

Các yếu tố khiến nguy cơ mắc bệnh viêm họng gia tăng gồm có:

  • Tuổi tác: Trẻ em từ 3 đến 15 tuổi và người cao tuổi trên 60 là những đối tượng dễ bị viêm đau họng. Nguyên nhân là vì hệ thống miễn dịch trong những giai đoạn này thường chưa hoàn thiện hoặc đã bị suy giảm do lão hóa.
  • Tiếp xúc thường xuyên với thuốc lá: Những người nghiện thuốc lá hoặc thường xuyên phải hít phải khói thuốc lá cũng có nguy cơ cao bị viêm đau họng. Các hóa chất sinh ra từ quá trình đốt thuốc có thể gây kích ứng cho cổ họng và làm tăng tỷ lệ phát triển ung thư vòm họng, ung thư phổi.

Cách trị viêm họng tại nhà

Các cách điều trị viêm họng tại nhà có thể kể đến là:

Súc miệng bằng nước muối loãng

Súc miệng nước muối là biện pháp tại nhà đơn giản giúp làm giảm sự hình thành của các chất đờm nhầy đồng thời giúp sát khuẩn cho cổ họng. Bên cạnh đó, người bệnh súc miệng thường xuyên có thể cải thiện đáng kể tình trạng đau rát và ngứa ngáy khó chịu ở cổ họng.

Chuẩn bị: 1 thìa cà phê muối hạt, 300ml nước ấm.

Cách thực hiện:

  1. Hòa tan muối hạt với nước ấm, sử dụng dung dịch này để súc miệng.
  2. Thực hiện ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng sớm khi mới ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

Sử dụng viên ngậm trị ho, trị viêm họng

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại viên ngậm trị viêm họng với tác dụng chính là làm dịu cổ họng đang đau rát, giảm sưng tấy và giảm ho hiệu quả. Thành phần chính của những sản phẩm này thường là thảo dược tự nhiên kết hợp với tinh dầu bạc hà, đem lại cảm giác the mát, dễ chịu cho người sử dụng.

Viên ngậm trị viêm họng được xếp vào danh mục thực phẩm chức năng, vì vậy người bệnh có thể dễ dàng tìm mua tại các cửa hàng tiện lợi hoặc hiệu thuốc gần nhớ. Bệnh nhân có thể lựa chọn tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Sử dụng các thuốc Tây y không kê đơn

Nếu các triệu chứng quá khó chịu, người bệnh có thể tìm mua và sử dụng một số loại thuốc Tây y không kê đơn như thuốc chống viêm non steroid (ibuprofen hoặc naproxen), thuốc xịt mũi, thuốc trị ho,… Những loại thuốc này có thể giúp ức chế quá trình sản xuất hormone gây viêm trong cơ thể, nhờ vậy mà cải thiện rõ rệt tình trạng đau họng, ho kéo dài, chảy nước mũi, sốt, mệt mỏi,…

điều trị bệnh viêm họng

Riêng đối với trường hợp viêm họng do vi khuẩn, người bệnh cần sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt và loại bỏ vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Thuốc kháng sinh như penicillins hay cefprozil cần được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ. Người bệnh không nên tự ý mua và uống thuốc kháng sinh tại nhà.

Giữ nước cho cơ thể

Uống đủ nước là biện pháp đơn giản nhưng lại có thể giúp người bệnh viêm họng nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Bởi vì một khi cơ thể bị mất nước, lượng nước bọt và chất nhầy để giữ ẩm cho cổ họng không sản sinh đủ, khiến tình trạng khô rát và viêm sưng trở nên nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh nước lọc, người bệnh có thể sử dụng thêm cả những loại trà thảo mộc, nước ép trái cây tươi hoặc nước hầm rau quả. Những loại nước này vừa cung cấp cho cơ thể lượng chất lỏng cần thiết vừa giúp bổ sung năng lượng và các khoáng chất tốt cho sức khỏe.

Sử dụng máy tạo ẩm trong phòng ngủ

Nếu môi trường xung quanh quá khô, lỗ mũi, hốc xoang và cổ họng của người bệnh dễ bị kích ứng, dẫn đến hiện tượng hắt xì liên tục kèm theo đó là cảm giác khó chịu do các mô niêm mạc đường thở sưng tấy thêm. Để phòng tránh tình trạng này, người bệnh có thể sử dụng các máy tạo độ ẩm mini trong phòng ngủ. Sản phẩm này hiện nay thường được bày bán trong các siêu thị điện máy hoặc các trang mua bán trực tuyến như Lazada, Shopee,…

Nếu không có điều kiện mua mấy tạo ẩm, người bệnh có thể ngâm mình trong nước ấm trước khi ngủ để cải thiện tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi khó chịu.

Cách chữa viêm họng dân gian

Người bệnh viêm họng có thể áp dụng các bài thuốc dân gian hiệu quả sau đây:

Sử dụng giấm táo và mật ong

Giấm táo từ lâu đã xuất hiện trong các bài thuốc dân gian trị viêm đau họng. Theo các nhà nghiên cứu, trong giấm táo có chứa axit axetic giúp kháng khuẩn, kháng viêm và giảm đau rát cổ họng hiệu quả. Trong khi đó, mật ong giàu khoáng chất và vitamin, giúp làm dịu cổ họng, chữa lành các mô niêm mạc bị tổn thương và ngăn ngừa tình trạng ho kéo dài.

Nguyên liệu: 1 thìa cà phê giấm táo, 1 thìa cà phê mật ong, 300ml nước ấm.

Cách thực hiện:

  1. Cho giấm táo và mật ong vào ly nước ấm, khuấy đều rồi dùng uống trực tiếp.
  2. Bài thuốc này có thể áp dụng từ 1 đến 2 lần mỗi ngày.

Sử dụng rễ cây cam thảo

Cam thảo (tên khoa học: Glycyrrhiza glabra) là một loài thực vật được tìm thấy ở châu Âu và khu vực Nam Á, Đông Nam Á. Không chỉ sở hữu hương vị ngọt ngào, cam thảo còn là vị thuốc sở hữu nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe.

Theo các nhà nghiên cứu, rê cây cam thảo có thể giúp giảm đau họng, kháng virus, kháng khuẩn và chống viêm. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng tác dụng giảm đau của rễ cam thảo tương đương thuốc aspirin.

Nguyên liệu: 20g rễ cam thảo, 300ml nước lạnh.

Cách thực hiện:

  1. Người bệnh cho rễ cam thảo và nước lạnh vào nồi, đun lửa lớn cho đến khi nước sôi bùng lên.
  2. Sau khi tắt bếp, người bệnh sử dụng rây lọc để chắt lấy phần nước thuốc. Người bệnh có thể sử dụng nước cam thảo để súc miệng hàng ngày hoặc cũng có thể dùng uống như nước trà.

Sử dụng chanh, gừng và mật ong

Bộ ba chanh, gừng và mật ong là bài thuốc dân gian trị đau họng được ông cha sử dụng từ lâu đời. Theo y học cổ truyền, gừng, hay còn gọi là sinh khương, có vị cay, tính ấm, mùi thơm, công dụng chính là tiêu viêm, làm ấm cổ họng, giảm đau nhức và tăng cường hệ miễn dịch.

Trong khi đó, chanh giàu axit citric có thể giúp chống viêm và thúc đẩy sức đề kháng. Hai nguyên liệu này khi kết hợp cùng với mật ong có khả năng cải thiện đáng kể các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm họng.

Nguyên liệu: 5g gừng tươi, nửa quả chanh, 3 thìa cà phê mật ong, 300ml nước.

Cách thực hiện:

  1. Cho gừng tươi đã thái lát vào nồi, thêm vào 300ml nước rồi đun sôi.
  2. Đợi khi nước trà nguội bớt thì bỏ thêm chanh thái lát mỏng và mật ong vào rồi khuấy đều.
  3. Người bệnh sử dụng hỗn hợp này để uống hàng ngày, tốt nhất là 2 lần vào sáng và chiều. Lưu ý không sử dụng vào buổi tối vì chanh có tính axit cao và có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thận.

Phòng ngừa viêm họng

Để phòng ngừa tình trạng viêm đau họng, mọi người cần chú ý một số vấn đề sau đây:

  • Rửa tay thường xuyên: Rửa tay là cách hiệu quả giúp vi khuẩn hoặc virus không có khả năng xâm nhập vào bên trong cơ thể. Mọi người đừng chỉ rửa tay với nước mà nên kết hợp thêm xà bông diệt khuẩn, đặc biệt là nên rửa tây sau khi đi vệ sinh, sau khi ho hay hắt hơi hoặc sau khi đi đến những nơi đông người.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Việc đeo khẩu trang khi ra ngoài có thể giúp mọi người hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn, không khí ô nhiễm và một số các dị nguyên dễ gây dị ứng như phấn hoa hay bụi mịn. Bên cạnh đó, đây là biện pháp quan trọng giúp phòng chống nguy cơ lây nhiễm virus, nhất là khi xảy ra các tiếp xúc gần giữa người với người.
  • Không tiếp xúc hoặc dùng chung đồ vật với người bệnh viêm họng: Viêm họng do virus rất dễ lay lan nếu tiếp xúc với chất thảo của người bệnh hoặc dùng chung thìa dĩa, bát đũa, cốc uống nước. Để phòng tránh thì mọi người nên hạn chế các loại tiếp xúc không cần thiết.

Bài viết hy vọng đã mang đến cho bạn đọc những thông tin, kiến thức cần thiết có liên quan đến bệnh viêm họng. Mọi người có thể phòng tránh tình trạng này bằng cách tăng cường thể dục nâng cao sức khỏe, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng hàng ngày và luôn luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài.

5/5 - (1 vote)