Hen phế quản là một bệnh lý liên quan đến phổi khá phổ biến, có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em. Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp điều trị nào có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này mà chỉ có khả năng hạn chế và cải thiện các triệu chứng khó chịu. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra bệnh? Dấu hiệu nhận biết và phòng ngừa, điều trị thế nào? Bạn đọc hãy cùng khám phá trong bài viết sau đây!
Nội dung :
Hen phế quản là gì?
Hen phế quản hay còn được biết đến với cái tên hen suyễn, là tình trạng đường thở bị thu hẹp và sưng tấy, dẫn đến hiện tượng khó thở, thở khò khè hoặc ho kéo dài. Đây là bệnh mãn tính, nghĩa là người bệnh sẽ phải chung sống với nó suốt đời và cần tuân thủ các biện pháp xử lý triệt để nhằm hạn chế các nguy cơ xấu có thể xảy ra với sức khỏe.
Theo một số báo cáo y tế, mỗi năm ở nước ta có đến hàng triệu người gặp phải tình trạng hen phế quản. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em, đặc biệt là với những đối tượng có tiền sử dị ứng hoặc sử dụng thuốc lá thường xuyên. Cũng theo các chuyên gia, tỷ lệ bé trai mắc hen phế quản thường cao hơn với bé gái trong khi đó ở người trưởng thành, bệnh hen suyễn lại thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn.
Triệu chứng hen phế quản
Mỗi một người bệnh hen suyễn lại có có yếu tố khởi phát và các triệu chứng riêng. Có những trường hợp chỉ bị hen phế quản vào một thời điểm nhất định nhưng lạ có những ca bệnh xuất hiện triệu chứng thường xuyên hơn. Người bệnh nếu nghi ngờ bản thân mắc hen suyễn thì nên nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu và biểu hiện thường thấy nhất của bệnh hen phế quản có thể kể đến là:
- Khó thở kèm theo cảm giác tức ngực, đau nhức lồng ngực rất khó chịu. Tình trạng này cũng khiến người bệnh ngủ không sâu giấc hoặc bị mất ngủ.
- Khi hít thở thì xuất hiện các tiếng khò khè. Triệu chứng này rất hay gặp ở trẻ em. Khi người bệnh bị cảm cúm hay cảm lạnh, hiện tượng thở khò khè có thể trở nên nặng hơn.
- Các cơn ho khan hoặc ho có đờm kéo dài. Tình trạng này có thể xảy ra lúc ban đêm, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và khó ngủ.
Nếu tình trạng hen phế quản có diễn tiến xấu và tăng nặng, người bệnh có khả năng gặp phải các dấu hiệu sau đây:
- Các biểu hiện như ho, thở khò khè, khó thở xảy ra thường xuyên hơn và khó chịu hơn.
- Nhu cầu sử dụng ống hít giúp giảm đau tăng lên so với bình thường.
Lưu ý: Đối với một số người, triệu chứng hen suyễn chỉ xuất hiện khi có các yếu tố bên ngoài tác động, ví dụ như tập thể dục quá mức khiến hít thở không đều, không khí bên ngoài trở nên lạnh và khô, hít phải khói bụi, phấn hoa, lông vật nuôi,… Người bệnh cần nhờ đến sự trợ giúp y tế ngay nếu xuất hiện các triệu chứng:
- Cảm giác không thở được, hơi thở trở nên ngắn và đứt đoạn.
- Không có sự cải thiện khi sử dụng các loại thuốc hay thiết bị hỗ trợ. Tình trạng khó thở xảy ra ngay cả khi người bệnh không thực hiện các hoạt động thể chất cường độ cao.
Nguyên nhân hen phế quản
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây hen suyễn. Họ thiên về các giải thuyết liên quan đến yếu tố môi trường cũng như sự di truyền. Thường thì tác nhân gây bệnh hen phế quản ở mỗi người sẽ khác nhau, những yếu tố thường thấy nhất có thể kể đến là:
- Các chất có khả năng gây dị ứng xuất hiện trong không khí, ví dụ như phấn hoa, nấm mộc, mạt bụt, lông thú nuôi,….
- Các bệnh lý gây nhiễm trùng đường hô hấp, ví dụ như cảm lạnh, cảm cúm hoặc vi khuẩn tấn công đường hô hấp trên.
- Không khí của môi trường sống quá lạnh và khô khiến đường hô hấp bị kích ứng hoặc các chất gây ô nhiễm không khí như chất thải công nghiệp, bụi than, khói đốt lò,…
- Tác dụng phụ của các loại thuốc chống viêm non steroid hoặc thuốc chẹn beta.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng là thể là tác nhân gây bệnh hen suyễn, nhất là khi axit dịch vị có thể gây viêm cho cổ họng và một số khu vực khác của hệ hô hấp.
Bên cạnh các tác nhân gây bệnh nói trên còn có một số yếu tố khiến nguy cơ mắc hen suyễn gia tăng, chúng gồm có:
- Có người thân trong gia đình bị bệnh hen phế quản, ví dụ như anh chị em hoặc cha mẹ, ông bà,…
- Bản thân từng có tiền sử bệnh lý dị ứng khác, ví dụ như viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng,…
- Có tình trạng thừa cân, béo phì kèm theo đó là việc ăn uống mất kiểm soát.
- Hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Làm việc trong môi trường phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất độc hại, ví dụ như thợ nhuộm, thợ làm tóc,…
Bệnh hen phế quản có chữa được không?
Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người bệnh nhất chính là liệu hen phế quản có chữa được hay không. Như đã nói ở trên, do nguyên nhân chính xác gây nên hen suyễn vẫn chưa được tìm ra nên hiện nay chưa có một phác đồ điều trị nào có thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Người bệnh buộc phải “sống chung với lũ” và áp dụng các biện pháp hỗ trợ cải thiện sức khỏe theo đúng hướng dẫn của chuyên gia và bác sĩ. Bệnh nhân được khuyến nghị trao đổi cùng với bác sĩ để tìm ra liệu pháp và loại thuốc phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nhằm kiểm soát tốt nhất những triệu chứng khó chịu.
Bệnh hen suyễn kéo dài cũng có thể dẫn đến một số biến chứng sau đây, người bệnh cần đặc biệt lưu ý;
- Cuộc sống thường ngày bị ảnh hưởng bởi những cơn ho, khó thở và tình trạng thở khò khè. Thậm chí, triệu chứng có thể xuất hiện vào ban đêm khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, giấc ngủ bị gián đoạn. Hệ quả là cơ thể mệt mỏi, đầu óc kém tỉnh táo vào ngày hôm sau.
- Các ống phế quản làm nhiệm vụ dẫn lưu không khí bị thu hẹp vĩnh viễn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hô hấp của người bệnh cũng như khiến người bệnh phải phụ thuộc suốt đời vào các thiết bị hỗ trợ.
- Các tác dụng phụ do sử dụng lâu dài các loại thuốc điều trị hen suyễn. Điều này khiến sức khỏe tổng thể bị ảnh hưởng không nhỏ.
Điều trị hen phế quản
Điều trị hen phế quản gồm hai mục đích chính: Kiểm soát lâu dài các triệu chứng và phòng ngừa bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số biện pháp xử lý tình trạng hen suyễn được sử dụng phổ biến nhất hiện nay:
Sử dụng thuốc Tây y
Tùy vào từng trường hợp hen phế quản cụ thể (tuổi tác, nguyên nhân gây hen, các triệu chứng) mà các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc. Những loại thuốc này có thể giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng và giảm cảm giác khó chịu nhanh chóng hơn. Thuốc điều trị thường được phân chia thành hai dạng:
Thuốc điều trị lâu dài
Đây là những loại thuốc được sử dụng hàng ngày, giúp giảm nguy cơ xuất hiện các cơn hen suyễn đột ngột. Các bác sĩ nhận định những loại thuốc điều trị lâu dài là nền tảng quan trọng trong quá trình cải thiện tình trạng bệnh. Các loại thuốc này gồm có:
-
- Corticosteroids dạng ống hít: Đây là thuốc chống viêm được sử dụng thông qua đường hít thở. Chúng thừng ít gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với corticosteroids dạng uống. Ví dụ: Budesonide, beclomethasone,…
- Thuốc kháng Leukotriene: Đây là loại thuốc được dùng khá phổ biến trong điều trị hen suyễn. Thuốc có tác dụng ức chế enzyme leukotriene gây viêm trong cơ thể. Ví dụ: Montelukast, zileuton,…
- Thuốc hít kết hợp: Thành phần chính của những loại thuốc này thường là chất chủ vận beta kết hợp cùng với corticosteroid. Ví dụ: Budesonide-formoterol, fluticasone-salmeterol,…
- Thuốc Theophylline: Đây là một loại thuốc uống được sử dụng hàng ngày giúp làm giãn các cơ xung quanh ống phế quản, nhờ vậy mà người bệnh có thể hô hấp dễ dàng hơn. Đối với loại thuốc này, người bệnh cần dùng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc hỗ trợ tác dụng nhanh
Đây là các loại thuốc được sử dụng để cải thiện nhanh chóng các triệu chứng hen phế quản, thường được kê theo đơn và có tính ngắn hạn. Chúng bao gồm:
- Thuốc chủ vận beta: Những loại thuốc này được thiết kế dưới dạng hít, giúp làm giãn phế quản và giảm đau. Sau khi sử dụng khoảng vài phút là người bệnh có thể cảm nhận được tác dụng của thuốc. Ví dụ: Levalbuterol, albuterol,…
- Thuốc kháng cholinergic: Đây là một loại thuốc giãn phế quản có khả năng làm giãn đường thở, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Thuốc nên được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
- Thuốc corticosteroids dạng uống hoặc tiêm: Đối với người bệnh hen suyễn nặng, những loại thuốc này có thể giúp giảm viêm, nhờ vậy mà các triệu chứng khó chịu được cải thiện đáng kể. Ví dụ: Prednisone, methylprednisolone,….
Chỉnh hình phế quản bằng nhiệt chữa hen phế quản
Đây là phương pháp mới được áp dụng trong một vài năm trở lại đây và thường được chỉ định với bệnh nhân hen suyễn nặng không đáp ứng tốt với các loại thuốc dạng hít hay dạng viên uống.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách làm nóng đường ống dẫn khí bên trong phổi bằng điện cực. Nhiệt giúp hạn chế khả năng co thắt của cơ trơn, giúp bệnh nhân hô hấp dễ dàng hơn đồng thời cải thiện một số triệu chứng hen suyễn. Liệu pháp cần thực hiện nhiều lần để đạt được kết quả tốt nhất.
Điều chỉnh lối sống
Đối với bệnh nhân hen phế quản, lối sống cân bằng, lành mạnh là điều rất quan trọng. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cũng cần lưu ý một số các vấn đề sau đây:
- Không sử dụng thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích khác.
- Sử dụng lưu lượng đỉnh kế để theo dõi các triệu chứng và mức độ cải thiện mà các biện pháp điều trị đem lại. Nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường thì nên liên hệ ngay với bác sĩ.
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây và thịt cá. Hạn chế tiêu thụ đồ ăn chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn vì có chứa nhiều chất bảo quản, gia vị không tốt cho sức khỏe.
- Thường xuyên luyện tập thể thao để duy trì cân nặng phù hợp, ra ngoài cần đeo khẩu trang và chú ý theo dõi sức khỏe mỗi khi thời tiết bắt đầu bước vào giai đoạn giao mùa.
Phòng ngừa hen phế quản
Để phòng tránh hiệu quả tình trạng hen phế quản, người bệnh nên áp dụng các biện pháp sau đây:
- Theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên và tìm hiểu rõ các yếu tố thời tiết, môi trường và dị nguyên có thể khiến tình trạng hen suyễn trở nên tồi tệ hơn. Một khi đã nắm rõ được các tác nhân này thì việc phòng ngừa sẽ dễ dàng và có hiệu quả cao hơn nhiều.
- Theo dõi nhịp thở để nhận biết trước khi cơn hen xuất hiện. Điều này giúp người bệnh chuẩn bị kịp thời những loại thuốc cần thiết đồng thời tránh được nguy cơ biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
- Thực hiện tiêm phòng cúm và viêm phổi đầy đủ. Cả hai bệnh lý này đều là yếu tố tác động xấu đến tình trạng hen suyễn, vì vậy người bệnh phải kiểm soát tốt được hai tình trạng này.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và tăng lường luyện tập thể thao có thể giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tổng thể cũng như quá trình điều trị bệnh hen phế quản.
Bài viết trên đây hy vọng đã mang đến cho bạn đọc những thông tin cần thiết về bệnh hen phế quản. Nếu bạn phát hiện mình có các dấu hiệu như khó thở, thở khò khè vào ban đêm, ho nhiều,… thì nên nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị.