Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản là một trong những việc cần làm để giúp người bệnh cải thiện và phục hồi các triệu chứng bệnh nhanh nhất. Dưới đây là hướng dẫn về cách lập kế hoạch chi tiết khi chăm sóc và điều trị cho người bị viêm phế quản.
Nội dung :
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản tốt sẽ giúp cho người chăm sóc, điều dưỡng, nhân viên y tế luôn chủ động và thực hiện đúng theo các chỉ định:
Mục tiêu lập kế hoạch
Mục tiêu lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản sẽ giúp các nhân viên y tế và người chăm sóc thực hiện tốt nhất trong điều trị cho người bệnh. Giúp người chăm sóc luôn ở trạng thái chủ động và nắm bắt được tình hình.
Ngoài ra, bảng kế hoạch giúp cung cấp các thông tin để người theo dõi phát hiện cũng như ngăn chặn các triệu chứng bệnh tăng nặng hoặc diễn biến bất thường. Từ đó, người chăm sóc có thể đưa ra kế hoạch sử dụng các loại thuốc để điều trị phù hợp tình trạng bệnh như: thuốc long đờm, giảm đau, chống phù nề…
Kế hoạch chăm sóc còn giúp hỗ trợ người bệnh phục hồi nhanh, tiết kiệm thời gian điều trị nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả tốt nhất.
Thực hiện lập kế hoạch
Quá trình lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản sẽ cần trải qua hai giai đoạn chính gồm:
Giai đoạn 1: Thu thập thông tin
Việc thu thập thông tin giúp hỗ trợ trong việc chăm sóc cho bệnh nhân một cách hiệu quả nhất. Các thông tin mà nhân viên y tế cần khai thác ở người bệnh là:
- Tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh.
- Người bệnh có các triệu chứng ho hay sốt nhiều không? Các triệu chứng ho là như thế nào: ho có đờm, ho khan, đờm nhầy…
- Người bệnh thường xuyên ho vào thời điểm nào nhất, các cơn ho có liên tục không?
- Người bệnh có cảm thấy khó thở không, các triệu chứng khó thở thường xảy ra vào thời điểm nào nhất?
- Tiền sử gia đình có ai từng bị viêm phế quản hoặc các bệnh tương tự không?
- Môi trường của người bệnh có tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm, thuốc lá hay không?
Giai đoạn 2: Đánh giá tình trạng bệnh nhân
Người chăm sóc cần quan sát và đánh giá tình trạng sức khỏe người bị viêm phế quản như: sắc mặt, trạng thái, da mặt, mức độ tỉnh táo… Ngoài ra, người chăm sóc có thể quản lý thêm các vấn đề như mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở.
Thêm vào đó, người chăm sóc cũng cần chú ý theo dõi quá trình bệnh lý để hỗ trợ quá trình chăm sóc tốt hơn. Người chăm sóc cần biết bệnh nhân viêm phế quản đang ở mức độ bệnh nào trong các mức độ:
Mức độ nhẹ: Người bệnh có các biểu hiện giống với cảm thông thường như sổ mũi, sốt nhẹ, ho và các triệu chứng toàn thân như đau nhức cơ, mệt mỏi, đau khớp…
Mức độ nặng: Người bệnh có các triệu chứng tăng nặng hơn, tần suất của bệnh ngày càng nhiều kèm theo cảm giác khó thở. Ngoài ra, ở một số người bệnh còn kèm theo tình trạng tăng tiết dịch thậm chí có mủ.
Việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản sẽ giúp điều dưỡng/ người chăm sóc chủ động hơn trong quá trình chăm sóc người bệnh. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ điều dưỡng thực hiện tốt các công việc tiếp theo.
Kế hoạch chăm sóc người bị viêm phế quản
Sau khi người chăm sóc/ điều dưỡng đã xác định được các thông tin về tình trạng sức khỏe của người bệnh. Điều dưỡng sẽ tiến hành các công việc để chăm sóc người bệnh như:
- Làm sạch đường hô hấp cho người bệnh: Bao gồm làm sạch dịch ứ đọng để đảm bảo đường thở của người bệnh không bị tắc nghẽn gây khó thở. Lúc này, người bệnh sẽ được cho nằm nghiêng, đầu thấp. Sau đó, điều dưỡng sẽ áp dụng cách vỗ lưng hoặc khí rung để dịch nhờn xuất ra giúp thông thoáng đường hô hấp.
- Cho người bệnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Người chăm sóc cần cho người bệnh sử dụng thuốc theo đúng liều lượng, cách sử dụng của bác sĩ.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi dùng thuốc: Người bệnh sẽ được theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi dùng thuốc để phát hiện những bất thường (nếu có). Ngoài ra, người bệnh sẽ được tư vấn bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Trường hợp người bị viêm phế quản sốt và ho có thể được kê thêm thuốc điều trị riêng.
- Tư vấn chế độ dinh dưỡng cho người bệnh: Điều dưỡng cần căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh để tư vấn chế độ ăn cũng như các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe người bệnh.
- Theo dõi và phòng ngừa biến chứng: Điều dưỡng cần theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm trong quá trình điều trị viêm phế quản.
- Công tác giáo dục và tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân: Điều dưỡng sẽ giải thích về nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời, khuyên người bệnh về cách hạn chế nguy cơ và những tác nhân làm tăng tình trạng bệnh. Thêm vào đó, cần tư vấn cho người bệnh về kế hoạch chăm sóc tốt cho sức khỏe.
Đánh giá kế hoạch chăm sóc
Sau khi kết thúc quá trình lập kế hoạch cũng như chăm sóc cho người bệnh viêm phế quản, điều dưỡng/ người chăm sóc cần đánh giá lại bản kế hoạch và những gì thực hiện theo các tiêu chí dưới đây:
- Điều dưỡng/ người thực hiện có theo dõi xuyên suốt theo bảng kế hoạch đã đề ra trước đó hay không?
- Người bệnh có cải thiện tình trạng viêm phế quản không? Có cải thiện tình trạng hơi thở, sạch dịch tiết hô hấp cũng như các triệu chứng bệnh không?
- Người bệnh có gặp biến chứng trong quá trình điều trị hay không?
- Người bệnh có được tư vấn kiến thức để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ tái phát của bệnh hay không?
Như vậy, lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm phế quản là một trong những bước quan trọng với những người thực hiện công tác chăm sóc người bệnh. Do đó, điều dưỡng/ y tá/ người chăm sóc cần là những người chủ động trong công việc này. Hy vọng những thông tin trên hữu ích với bạn!