Thận ứ nước là bệnh gì? Dấu hiệu, có nguy hiểm, chữa được không

Thận ứ nước là thuật ngữ còn tương đối xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe người bệnh nếu như nó kéo dài. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về bản chất, nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng, chữa trị căn bệnh này nhé.

Thận ứ nước là bệnh gì?

Thận ứ nước là một dạng tổn thương thận do bị giãn nở hoặc sưng to quá mức. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là sự tắc nghẽn hoặc ứ đọng nước tiểu bên trong. Thận ứ nước có thể xảy ra đồng thời ở cả hai bên thận hoặc chỉ xuất hiện ở một bên, khiến cho các cấu trúc tế bào và chức năng của thận ít nhiều bị ảnh hưởng. Đây là căn bệnh có thể xảy ra với bất cứ ai và bất cứ độ tuổi nào.

Thận ứ nước

Thông thường, trong các trường hợp thận ứ nước cấp tính, chúng ta có thể xử lý các tổn thương này rất nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài vài tuần hoặc vài tháng thì nó sẽ trở thành mãn tính. Lúc này, các triệu chứng bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể gây ra suy thận.

Nguyên nhân gây thận ứ nước

Tình trạng thận ứ nước có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, cơ chế gây bệnh của chúng chính là do sự tắc nghẽn của đường tiết niệu, dù ở bất cứ vị trí nào. Đối với trẻ em, tình trạng này có thể xuất phát từ yếu tố bẩm sinh như hẹp niệu đạo, hẹp lỗ niệu đạo. Còn với người lớn, nguyên nhân gây bệnh thường có liên quan tới các bệnh lý có sẵn trước đó. Ví dụ, bệnh sỏi thận làm tắc nghẽn niệu quản, ngăn cản dòng chảy của nước tiểu. Thậm chí, sau khi mổ sỏi thận, vết mổ này cũng có thể để lại sẹo và gây hẹp niệu quản, dẫn tới bệnh thận ứ nước.

Bên cạnh đó, thận ứ nước cũng có thể xảy ra do tổn thương hoặc tắc nghẽn ở bàng quang hoặc niệu đạo. Vấn đề này có thể bắt nguồn từ các bệnh lý trực tiếp như: Sỏi bàng quang, trào ngược bàng quang, sỏi niệu đạo, viêm nhiễm niệu đạo,… Đồng thời, chúng cũng có thể xuất phát từ các bệnh lý gián tiếp như rối loạn chức năng bàng quang do tổn thương tủy sống hay u não, trào ngược bàng quang niệu quản do tiểu đường, đa xơ cứng hay các khối u chèn ép. Thậm chí, tình trạng tắc nghẽn đường tiết niệu còn có thể do các bệnh lý về sinh dục gây ra như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư cổ tử cung, sa tử cung,… Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ cao mắc thận ứ nước do sự chèn ép của bào thai lên các cơ quan trong ổ bụng.

Dấu hiệu thận ứ nước

Tùy theo từng nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh, người bị thận ứ nước sẽ có những biểu hiện và triệu chứng khác nhau. Ví dụ, nếu thận ứ nước do sỏi thận thì khi đi tiểu sẽ thấy có lẫn máu. Đồng thời, vùng hông lưng bị đau nặng và cơn đau lan rộng ra hai bên sườn tới tận háng. Trong khi đó, thận ứ nước do bệnh lý tuyến tiền liệt lại xuất hiện hiện tượng tiểu đêm và tiểu rắt. Còn nếu bệnh có liên quan đến các vấn đề về đại tràng, người bệnh sẽ cảm nhận được sự bất thường trong nhu động ruột, đồng thời đi đại tiện có lẫn máu trong phân.

dấu hiệu thận ứ nước

Ngoài ra, người bệnh cũng phát hiện ra các dấu hiệu thay đổi về huyết áp, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, suy nhược, thậm chí là thiếu máu. Đặc biệt, khi thận ứ nước chuyển sang giai đoạn mạn tính, thận sẽ bị giãn nở to dần theo thời gian. Do quá trình phát triển âm thầm, người bệnh sẽ rất khó phát hiện trừ khi đi tới bác sĩ để thăm khám. Cùng với đó, các dấu hiệu cũng sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh.

Thận ứ nước độ 1

Cấp độ 1 là cấp độ nhẹ nhất của căn bệnh. Lúc này, các tổn thương ở thận chưa quá nghiêm trọng và người bệnh chưa cần dùng thuốc hay phẫu thuật. Do độ giãn của cầu thận chưa quá lớn (chỉ khoảng 5-10mm) nên hình dạng thận chưa có quá nhiều thay đổi. Vì thế, bệnh thường được phát hiện trong giai đoạn này chủ yếu là nhờ việc thăm khám chức năng của thận và phân tích nước tiểu.

Xét về các triệu chứng lâm sàng, ở giai đoạn này, người bệnh thường mắc các vấn đề về tiểu tiện như tiểu đêm, tiểu nhiều lần, khiến giấc ngủ không sâu và dẫn đến stress. Bên cạnh đó, huyết áp cũng thường tăng cao do thay đổi áp suất môi trường nội môi. Do đó, người bị thận ứ nước dễ bị bệnh tim cũng là điều dễ hiểu.

Thận ứ nước độ 2

Khi bệnh thận ứ nước cấp độ 1 không được chữa trị đúng cách và kịp thời thì sẽ chuyển sang giai đoạn 2. Lúc này, các triệu chứng đã xuất hiện rõ rệt hơn. Các cơn đau xảy ra liên tục, mức độ đau tăng lên và mỗi cơn đau thường kéo dài từ nửa tiếng đến 4-5 tiếng. Thậm chí, chúng còn có thể kéo dài âm ỉ suốt cả ngày. Đồng thời, lượng nước tiểu tăng lên đáng kể so với giai đoạn thứ nhất, gấp gần 2 lần so với mức bình thường. Khi đi xét nghiệm hình ảnh, ta có thể thấy rõ hình dạng và kích thước của thận đã thay đổi do độ sưng giãn của cầu thận đã lên tới 10-15mm.

Thận ứ nước độ 3

Thận ứ nước cấp độ 3 được xem là cấp độ trung bình nặng. Lúc này, khi đi xét nghiệm và chụp chiếu, ta có thể thấy rõ sự thay đổi về cả kích thước và hình dạng của thận. Độ giãn của cầu thận lúc này đã vượt quá 15mm. Thậm chí, trên hình ảnh chụp CT, ta rất khó phân biệt bể thận và đài thận do cả hai đã bị giãn nở thành một nang lớn.

Ở giai đoạn này, sức khỏe người bệnh đã có sự suy giảm đáng kể. Do cơ thể bị tích nước nghiêm trọng, người bệnh sẽ cảm thấy cực kỳ mệt mỏi. Chức năng của thận bị suy giảm, vì thế quá trình tạo hồng cầu cũng bị ảnh hưởng lớn, dẫn đến thiếu máu trầm trọng. Về tiểu tiện, ngoài lượng nước tiểu tăng cao, màu sắc của nước tiểu cũng thay đổi, chuyển sang nhạt dần và có kèm theo bọt.

Ngoài ra, khi chức năng thận bị suy yếu đáng kể, khả năng bài tiết các chất dư thừa ra khỏi cơ thể cũng bị suy giảm. Điều này khiến cho cơ thể người bệnh dễ bị phù, đặc biệt là tại các vị trí như mắt, mặt, chân và tay. Ở giai đoạn 3, người ta cũng phát hiện ra tỉ lệ táo bón ở người bệnh tăng cao hơn, các vấn đề đường ruột trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, khả năng bị bệnh trĩ hay nứt kẽ hậu môn cũng trở nên phổ biến hơn. Nhìn chung, thận ứ nước ở giai đoạn 3 khá nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh nếu không kịp thời xử lý biến chứng.

Thận ứ nước độ 4

Giai đoạn 4 là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh thận ứ nước. Lúc này, mức độ tổn thương thận đã đạt đến 75-90%. Nếu xét nghiệm hình ảnh, quả thận lúc này nhìn sẽ giống như một quả bóng tròn đã bơm căng hơi. Các triệu chứng lâm sàng như phù nề hay tiểu tiện ra máu sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Đây là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Người bệnh cần được phẫu thuật gấp để xử lý kịp thời các biến chứng.

Thận ứ nước có nguy hiểm không?

Như đã nói ở trên, thận ứ nước sẽ được chia thành 4 giai đoạn với các dấu hiệu, triệu chứng khác nhau. Đồng thời, mức độ nguy hiểm của bệnh trong các giai đoạn này cũng có sự khác biệt. Ở giai đoạn 1 và 2, các biến chứng do bệnh gây ra dù có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh, song không quá nguy hiểm. Nếu được thăm khám, điều trị kịp thời thì không có gì đáng lo ngại.

Tuy nhiên, khi thận ứ nước đã chuyển sang giai đoạn 3 và 4 thì cả cấu tạo và chức năng của thận đã bị tổn thương rất nặng nề. Người bệnh có thể phải đối mặt với hàng loạt các biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm trùng thận do tích tụ nước tiểu, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển; tăng huyết áp đột ngột dẫn đến suy tim và tử vong; ù tai, chóng mặt; phù nề toàn bộ cơ thể; suy giảm sinh lý;… Thậm chí, khi chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng, rất có thể người bệnh phải thay thận để tránh ảnh hưởng tới tính mạng.

Thận ứ nước có chữa khỏi được không?

Trước hết, cần khẳng định rằng thận ứ nước hoàn toàn có thể chữa trị khỏi bằng cách biện pháp khác nhau, tùy vào từng nguyên nhân và mức độ của bệnh. Trong đó, nguyên tắc cơ bản nhất chính là loại bỏ yếu tố gây cản trở và tắc nghẽn dòng chảy của đường tiết niệu. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, căn bệnh này cần được phát hiện và chữa trị càng sớm càng tốt. Bởi lẽ, sau khi thận ứ nước chuyển sang mãn tính, hoặc chuyển sang cấp độ nặng hơn như giai đoạn 3,4 thì thận đã bị tổn thương đáng kể. Theo đó, các chức năng thận cũng bị suy giảm và khó có thể phục hồi như ban đầu, dù bệnh đã được chữa trị.

Cách điều trị thận ứ nước

Như đã nói ở trên, các phương pháp điều trị thận ứ nước đều dựa trên nguyên tắc chung là loại bỏ các yếu tố gây tắc nghẽn dòng chảy của hệ bài tiết. Chúng có thể là sử dụng thuốc để làm tan dần các khối sỏi, phẫu thuật loại bỏ khối u, dị vật ra khỏi đường tiết niệu, phẫu thuật để điều chỉnh các dị dạng bẩm sinh,… Đồng thời, đảm bảo sự ổn định của môi trường nội môi và sự cân bằng của các chất điện giải. Cùng với đó, việc điều trị phải ngăn ngừa được sự nhiễm khuẩn khi thận bị ứ nước. Nếu chức năng của thận bị ảnh hưởng quá nặng nề thì phải có biện pháp hỗ trợ thay thế như chạy thận nhân tạo hay ghép thận. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến được dùng để điều trị cho người bị thận ứ nước.

điều trị thận ứ nước

Điều trị thận ứ nước bằng thuốc nam

Sử dụng các bài thuốc nam là biện pháp đơn giản nhất và thường được nhiều người bệnh nghĩ đến đầu tiên khi phát hiện các dấu hiệu bệnh trong giai đoạn đầu. Mục đích của các bài thuốc này là nhằm cải thiện chức năng của thận, giúp lợi tiểu, ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận và thanh lọc cơ thể tốt hơn. Do đó, chúng có thể hỗ trợ khơi thông dòng chảy, làm giảm áp lực và độ sưng phồng của thận. Trong đó, có thể kể đến một số bài thuốc rất nổi tiếng như râu ngô, rễ cỏ tranh, kim tiền thảo, bông mã đề, cỏ xước, xích đồng,… Đây đều là những loại thảo dược quen thuộc mà bạn có thể dễ dàng tìm kiếm hoặc mua với mức giá rất rẻ.

Sử dụng thuốc tây

Khi phát hiện ra bệnh thận ứ nước, các bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh sử dụng một số loại thuốc tây để làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Ví dụ, thuốc kháng sinh, chống viêm được chỉ định trong các trường hợp nhiễm trùng thận, khi người bệnh có biểu hiện sốt. Thuốc điều hòa huyết áp được sử dụng để tránh trường hợp huyết áp tăng quá cao, nhằm phòng tránh biến chứng suy tim ở người bệnh. Còn khi chức năng của thận bị suy giảm nghiêm trọng, khả năng điều hòa các chất điện giải suy yếu, người bệnh sẽ được yêu cầu dùng thuốc kiểm soát Natri, Kali. Điều trị thuốc tây thường được áp dụng trong các giai đoạn bệnh chưa trở nặng, tức ở trong giai đoạn 1, 2, 3.

Sử dụng steroid

Steroid là một loại thuốc đặc biệt giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu. Đây là một chất được sinh ra do quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể, được thận đào thải thông qua quá trình bài tiết. Tuy nhiên, khi thận bị ứ nước, khả năng đào thải của chúng giảm đi, khiến cho nồng độ axit uric trong máu tăng cao, gây ra các cơn đau gout cấp và có thể hình thành sỏi thận. Do đó, sử dụng steroid sẽ giúp ích đáng kể trong việc điều trị căn bệnh này.

Tuy nhiên, loại thuốc này có khá nhiều tác dụng phụ. Vì thế, việc điều trị bằng steroid chỉ được thực hiện sau khi người bệnh được xác định rõ mức độ của bệnh. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng cần được chỉ định bởi bác sĩ, bởi liều lượng và liệu trình điều trị của chúng có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.

Điều trị bằng tia laser

Với các trường hợp thận ứ nước xảy ra do sỏi tiết niệu (ví dụ như sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo,…), phương pháp điều trị laser sẽ được tiến hành. Theo đó, các bác sĩ sẽ sử dụng năng lượng laser để tán sỏi qua da, hoặc thông qua một ống nội soi đưa vào bên trong đường tiết niệu (phương pháp tán sỏi ngược dòng). Ưu điểm của phương pháp này là giảm được sự đau đớn và biến chứng xảy ra cho người bệnh. Song, trong một số trường hợp, người bệnh phải tiến hành thực hiện nhiều lần.

Đặt ống thông bàng quang

Đặt ống thông bàng quang được chỉ định trong trường hợp thận ứ nước xảy ra do đường tiết niệu của người bệnh quá hẹp. Mục đích của phương pháp là giúp tháo nước tiểu tạm thời để giảm sức căng của thận. Từ đó, người bệnh sẽ giảm bớt đau đớn hơn khi bị bí tiểu. Thông thường, nó sẽ được sử dụng song song với các phương pháp điều trị khác như sử dụng thuốc hay phẫu thuật, nhằm giải quyết triệt để gốc rễ nguyên nhân gây bệnh.

Phẫu thuật điều trị thận ứ nước

Phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng trong trường hợp thận ứ nước do nguyên nhân bẩm sinh, nhằm loại bỏ các dị tật đường tiết niệu, ví dụ như hẹp niệu quản. Đôi khi, nó cũng được sử dụng để loại bỏ các dị vật như khối u, sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản,… khi mà kích thước của chúng quá lớn. Và cuối cùng, chúng cũng được áp dụng với các trường hợp thận ứ nước ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3 và 4). Lúc này, mức độ ứ nước đã trở nên nặng nề, thận phình như một quả bóng bơm căng nên gây ra rất nhiều đau đớn. Việc phẫu thuật lúc này có thể nhằm thay thế chúng bằng quả thận khác.

Nhìn chung, phương pháp phẫu thuật có thể giúp giải quyết triệt để các vấn đề và nguyên nhân gây ra thận ứ nước. Tuy nhiên, chúng thường nguy hiểm hơn, dễ để lại các biến chứng hơn. Do đó, chúng chỉ được thực hiện khi các phương pháp khác không khả thi hoặc không đem lại tác dụng. Thêm vào đó, chi phí phẫu thuật khá lớn cũng là một vấn đề được đặt ra cho người bệnh. Với phương pháp mổ hở, chi phí trung bình cho một ca là vào khoảng 2-5 triệu đồng. Trong khi đó, phương pháp mổ qua da có giá cao hơn, từ 7-10 triệu đồng.

Ngoài ra, sau khi phẫu thuật, người bệnh cũng cần nhiều thời gian hơn để có thể phục hồi sức khỏe. Trong quá trình này, người bệnh cần thực hiện theo đúng các chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là về chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Điều này nghe có vẻ đơn giản, song nó chính là yếu tố cơ bản nhất góp phần vào thành công của việc chữa trị và phòng ngừa thận ứ nước.

Tóm lại, thận ứ nước là một căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chữa trị được bằng nhiều phương pháp. Trên đây là tổng hợp những thông tin cơ bản nhất liên quan đến căn bệnh này. Hi vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những kiến thức hữu ích về sức khỏe để bảo vệ và chăm sóc cho bản thân và những người xung quanh. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!

5/5 - (1 vote)